Áp lực dư luận với trang trại nuôi chó thịt Hàn Quốc

Kim Jong-kil, 57 tuổi, lại gần những chiếc lồng rỉ sét tại trang trại của mình ở thành phố Pyeongtaek, phía nam thủ đô Seoul. Ông mở lồng, vuốt ve cổ và ngực một con chó, bày tỏ niềm tự hào về trang trại là kế sinh nhai cho cả gia đình trong 27 năm qua. Ông dự tính chuyển giao cơ sở cho các con mình.

Ăn thịt chó là phong tục có tuổi đời hàng thế kỷ ở bán đảo Triều Tiên. Món ăn này từ lâu được coi là nguồn năng lượng trong những ngày hè nóng bức. Nhưng ngày càng nhiều người Hàn muốn chính quyền ra lệnh cấm thịt chó, với mối quan tâm ngày càng tăng về quyền động vật và lo ngại hình ảnh của đất nước bị ảnh hưởng trên trường quốc tế.

“Hàn Quốc trong mắt người nước ngoài là một cường quốc văn hóa. Khi văn hóa thúc đẩy vị thế của nước ta trên trường quốc tế thì người nước ngoài lại càng sốc về vấn đề tiêu thụ thịt chó”, Han Jeoun-ae, nhà lập pháp đệ trình dự luật cấm ngành công nghiệp thịt chó vào tháng trước, cho biết.

Nhưng triển vọng thông qua dự luật này là không rõ ràng, khi các hộ chăn nuôi, chủ nhà hàng phản đối quyết liệt. Dù hầu hết người Hàn không còn ăn thịt chó, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy cứ ba người thì có một người phản đối chính quyền đưa ra lệnh cấm.

Trước áp lực từ các chính trị gia và các nhà hoạt động, Kim Jong-kil tỏ rõ thái độ khó chịu. “Thật là tồi tệ, tôi phản đối hoàn toàn những động thái như vậy. Chúng tôi sẽ huy động mọi cách để phản kháng”, ông nói.

Thịt chó cũng được tiêu thụ ở Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Triều Tiên và một số quốc gia châu Phi như Ghana, Cameroon, Congo và Nigeria. Nhưng vấn đề thịt chó ở Hàn Quốc được quốc tế chú ý hơn cả, bởi đây là quốc gia duy nhất có những trang trại nuôi chó lấy thịt quy mô công nghiệp, hầu hết có hơn 500 con.

Trang trại của ông Kim là một trong những cơ sở lớn nhất toàn quốc, với hơn 7.000 con và trông tương đối sạch sẽ, dù một vài khu vực “hôi nồng nặc”, theo ghi nhận của phóng viên hãng thông tấn Mỹ AP.

Những con chó bị nhốt trong lồng, nuôi bằng thức ăn thừa và thịt gà xay. Chúng hiếm khi được thả để vận động và thường bị bán lấy thịt sau một năm ra đời. Hai người con 29 và 31 tuổi đang cùng ông Kim điều hành trang trại. Việc kinh doanh tiến triển tốt.

Ông Kim cho rằng những con chó được nuôi để lấy thịt “khác với thú cưng”, quan điểm bị các nhà hoạt động phản đối.

Thịt chó hiện rất khó tìm ở thủ đô Seoul, nhưng vẫn xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn.

“Thu nhập chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Những người trẻ không đến, chỉ có người già tới ăn trưa”, Yoon Chu-wol, 77 tuổi, chủ một nhà hàng thịt chó ở khu chợ Kyungdong, Seoul, cho biết. “Tôi thường khuyên các khách hàng cao tuổi đến thường xuyên hơn trước khi món thịt này bị cấm”.

Ngoài áp lực dư luận, chủ trang trại chó cũng đối mặt với mức độ giám sát gắt gao hơn từ chính quyền. Họ phàn nàn rằng giới chức nhiều lần đến kiểm tra trang trại bởi có nhiều đơn cáo buộc lạm dụng động vật. Chỉ trong 4 tháng, trang trại của Kim nhận hơn 90 đơn khiếu nại.

Son Won-hak, lãnh đạo hiệp hội chăn nuôi chó Hàn Quốc, cho hay nhiều trang trại đã đóng trong những năm gần đây khi nhu cầu và giá thành thịt chó suy giảm. Ông cho rằng nguyên nhân là chiến dịch của các nhà hoạt động và truyền thông đưa tin “bất công, chỉ tập trung vào các trang trại có điều kiện kém”. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng việc tiêu thụ thịt chó giảm đơn giản vì người trẻ quay lưng với nó.

“Thành thật mà nói, tôi muốn bỏ việc ngay ngày mai. Chúng tôi không thể tự tin nói với con cháu rằng chúng tôi đang nuôi chó lấy thịt”, ông nói. “Nhiều người bạn gọi cho tôi, bày tỏ ngạc nhiên rằng: ‘Này, ông vẫn điều hành trang trại chó à? Không phải nó bất hợp pháp sao?'”.

Theo ước tính của hiệp hội, số lượng trang trại chó đã giảm một nửa so với mức vài năm trước, xuống còn khoảng 3.000 – 4.000 cơ sở. Hàng năm có khoảng 700.000 đến một triệu con chó bị giết thịt, giảm so với vài triệu con cách đây 10 – 20 năm. Nhưng nhiều nhà hoạt động cho rằng hiệp hội phóng đại con số, nhằm thể hiện quy mô ngành công nghiệp này quá lớn để bị xóa sổ.

Cuối năm 2021,

Hàn Quốc

thành lập ủy ban xem xét cấm thịt chó, gồm cả nhà hoạt động vì quyền động vật và các chủ trại chăn nuôi. Ủy ban đã họp hơn 20 lần, song không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Các quan chức nông nghiệp từ chối tiết lộ chi tiết các cuộc họp kín và cho biết chính phủ muốn chấm dứt tiêu thụ thịt chó dựa trên sự đồng thuận của công chúng.

Hồi tháng 4, khi Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee công khai ủng hộ cấm thịt chó, nhiều chủ trại đã tổ chức biểu tình, cáo buộc bà làm tổn hại sinh kế của họ. Trong khi đó, nghị sĩ Han đánh giá cao việc những người có ảnh hưởng lên tiếng phản đối món ăn này.

Han nói rằng trong dự luật bà soạn thảo có nội dung về hỗ trợ các chủ chăn nuôi đồng ý đóng trang trại. Họ sẽ nhận tiền trợ cấp để tháo dỡ cơ sở và được đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm.

Trong khi đó, Ju Yeong-bong, thành viên hiệp hội chăn nuôi, cho hay các chủ trại muốn tiếp tục hoạt động trong khoảng hai thập kỷ tới, cho đến khi nhóm khách hàng chính là người lớn tuổi qua đời. “Hãy để ngành công nghiệp này biến mất một cách tự nhiên”, ông nói.

Đức Trung (Theo AP)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *